Hiện tượng tụt lợi là bệnh lý nha khoa phổ biến do nướu (lợi) răng bị tụt xuống làm lộ chân răng, hở chân răng, gây ảnh hưởng đến vùng răng phía trước. Khi răng miệng khoẻ mạnh bình thường, nướu sẽ bao vòng quanh chân răng. Khi bị tụt nướu, nướu bị kéo xuống đến cổ răng làm lộ các ống ngà chứa các đầu dây thần kinh ra bên ngoài khiến răng trở nên nhạy cảm hơn và dễ sâu hơn.
Tụt lợi có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, có thể xảy ra ở một vài răng bất kỳ, một hàm hoặc cả 2 hàm trên và dưới. Mặc dù là bệnh lý không nguy hiểm nhưng lại làm cho người bệnh cảm giác khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày như: các triệu chứng chảy máu chân răng, sưng lợi, hôi miệng, ê buốt khi ăn.
Phân loại hiện tượng tụt lợi
Tụt lợi có thể phân ra thành 2 loại sau đây:
- Tụt lợi nhìn thấy được: là trường hợp bệnh lý biểu hiện ra và nhìn thấy được bằng mắt thường.
- Tụt lợi không nhìn thấy được: do lúc này phần tụt được che phủ bởi lợi và chỉ đo được bằng cây thăm dò quanh răng với vị trí bám dính của biểu mô.
Biểu hiện khi mắc phải hiện tượng tụt lợi
Khi mắc bệnh tụt lợi, chân răng có thể có các biểu hiện sau:
- Lợi sưng đỏ, có cảm giác đau và khó chịu
- Chảy máu chân răng sau khi vệ sinh răng miệng hoặc dùng chỉ nha khoa
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Lợi bị rút lại rõ rệt, răng lung lay
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tụt nướu (lợi)
Tụt lợi có thể do sinh lý, bệnh lý, sang chấn tổn thương hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân.
Do bệnh lý
- Các bệnh viêm nướu, viêm nha chu: khiến chân răng bị tụt lợi
- Cao răng, các mảng bám tích tụ ở phần lợi lâu dần ngày càng nhiều sẽ đẩy nướu tụt xuống
Do sinh lý
- Quá trình lão hóa: Khi tuổi tác gia tăng, mô liên kết và xương hàm có thể bị suy yếu và gây tụt lợi.
- Thay đổi nội tiết tố: khiến hệ miễn dịch suy yếu và dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công
Do lực tác động
- Do chải răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải lông quá cứng
- Sang chấn khớp cắn: gây tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ
- Răng bị xô lệch
- Các thói quen xấu như nghiến răng lúc ngủ hoặc hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tụt lợi
Cách điều trị bệnh
Bệnh điều trị còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh, mức độ càng nặng thì càng mất thời gian điều trị và phương pháp cũng phức tạp hơn.
Tụt lợi nhẹ
Nếu bạn chỉ bị tụt nướu nhẹ, tức là khi phát hiện bệnh sớm, bệnh chỉ xảy ra ở một hay một vài răng, chân răng lộ không quá nhiều, nướu vẫn còn bám vào chân răng… việc điều trị sẽ đơn giản: Trước tiên là lấy sạch cao răng, tiếp đó dùng gel ngậm, flour hay thuốc trị viêm lợi. Kèm theo đó là đánh răng, vệ sinh đúng cách tránh bệnh tái phát sau điều trị.
Tụt lợi nặng
Nếu tình trạng tụt lợi phát triển nặng như xảy ra ở rất nhiều răng, chân răng hở nhiều, phần nướu viêm đỏ sưng tấy… bạn cần phải đến thăm khám nha sĩ thường xuyên. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tụt nướu, bạn có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ghép lợi, hoặc nạo túi nha chu.
Bác sĩ nha khoa sẽ hỗ trợ và cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết liên quan đến phương pháp điều trị này.
Cách chăm sóc răng miệng ngăn ngừa bệnh tái phát
Chăm sóc răng miệng kỹ càng và đúng cách:
- Bạn nên đánh răng 2 lần một ngày (Buổi sáng sau khi ăn và buổi tối trước khi đi ngủ).
- Lựa chọn những bàn chải đánh răng với đầu cọ mềm tránh gây tổn thương cho nướu, lợi.
- Kết hợp sử dụng nước súc miệng chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý để tăng hiệu quả làm sạch mảng bám.
- Sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng thường xuyên 1 ngày 1 lần hoặc sau khi ăn xong.
Thăm khám nha khoa định kỳ:
- Khi cao bám quá nhiều, chúng sẽ đẩy nướu tụt xuống. Vì thế, mà bạn nên định kỳ khám sức khỏe răng miệng, nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh răng miệng phát sinh.
Nếu bạn đang cảm thấy có những bất thường về sức khỏe răng miệng, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể nhất